Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự án khoa học và công nghệ

Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành họp thẩm định dự án
Sóc Trăng là tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cứu Long, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng trong nền kinh tế, năm 2021 diện tích nuôi thủy sản của tỉnh là 76.765 ha, với tiềm năng đa dạng về vùng sinh thái mặn, ngọt, lợ, những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn hướng tới nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nghề nuôi cá chốt bước đầu phát triển ở một số vùng sinh thái nước lợ của tỉnh; cá giống được sử dụng trong sản xuất phần lớn có nguồn gốc từ giống tự nhiên.
Cá chốt là loài cá rộng muối, chúng có thể sống được ở môi trường nước có độ mặn 0 - 15‰. Cá thường sống trong các kênh rạch ở khu vực giáp ranh giữa nước ngọt và lợ. Cá chốt là loài đẻ trứng dính, thành thục sau một năm tuổi, mùa sinh sản tháng 5 - 8, khi trời mưa và có nước lũ đổ về. Cá thường kết đàn đi trên sông, kênh rạch, ngược nước lên ruộng sinh sản, tập tính kết đàn đi sinh sản này sẽ làm tăng khả năng sống sót để tái tạo quần đàn của loài. Cũng giống như cá trê, nheo, trứng cá sau khi thụ tinh sẽ bám vào cây cỏ thủy sinh, phát triển thành cá bột. Cá có sức sinh sản 22,7 - 78,3 vạn trứng/kg cá cái, trứng nở tốt ở độ mặn 10‰. Nhiệt độ thích hợp 27 - 290C, thời gian nở 22 - 24 giờ, sau khi nở 1,5 ngày, cá tiêu hết noãn hoàng và có thể sử dụng thức ăn bên ngoài. Khi mới nở, cá ăn động, thực vật phù du, sau đó chuyển sang ăn các loài giun chỉ, ấu trùng côn trùng và giáp xác cỡ nhỏ; Lớn lên cá ăn các loài tôm cá nhỏ và ăn thêm mùn bã hữu cơ. Ngoài tự nhiên, cá trưởng thành rất thích ăn xác chết của động vật ươn, thối (https://thuysanvietnam.com.vn/ca-chot-trang-gia-tot-de-nuoi/).
Dự án được thực hiện nhằm bố trí sản xuất thử nghiệm mô hình sản xuất giống cá chốt nghệ trong điều kiện nhân tạo phù hợp với điều kiện của địa phương; phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và giới thiệu mô hình sản xuất giống cá chốt nghệ trong điều kiện nhân tạo đến người dân, các cơ quan liên quan,…
Kết quả thực hiện dự án sẽ tạo ra lượng cá chốt nghệ giống được sản xuất trong điều kiện nhân tạo phục vụ cho nghề nuôi cá chốt của tỉnh; hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá chốt nghệ trong điều kiện nhân tạo, chủ động nguồn cá giống chốt nghệ giống, nâng cao chất lượng cá giống phục vụ nuôi thương phẩm; góp phần đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế thổ nhưỡng địa phương; qua đó, giúp người nuôi gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất cũng như góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản của tỉnh trong thời gian tới.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành đánh giá hồ sơ dự án đạt yêu cầu và đề nghị đơn vị chủ trì, Chủ nhiệm dự án điều chỉnh tên dự án thành “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá chốt nghệ (Mystus gulio) trong điều kiện nhân tạo tại tỉnh Sóc Trăng” và chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh Thuyết minh dự án theo ý kiến của các thành viên Hội đồng.
Tác giả: Lâm Văn Tùng